Sáng 24-9, trường THPT Nguyễn Du, quận 10, TP.HCM đã tổ chức buổi giao lưu với Nữ nghệ sĩ Cải lương - Tiến sĩ Bạch Tuyết.
Tham gia buổi nói chuyện, Nữ nghệ sĩ đã nói về chặng đường hình thành của cải lương cũng như những thăng trầm của bộ môn nghệ thuật này. Cùng với đó là những trích đoạn cải lương được NS Bạch Tuyết thể hiện khiến học sinh thích thú.
Ngô Việt Hoàng Minh, học sinh lớp 10A18, trường THPT Nguyễn Du đặt ra cho Nghệ sĩ Bạch Tuyết khiến cả hội trường vỗ tay tán thưởng: “Cải lương là bộ môn nghệ thuật, mang đặc trưng văn hóa của dân tộc. Vậy làm thế nào để cải lương đến gần hơn với giới trẻ?”
Nghệ sĩ Bạch Tuyết cho biết vấn đề này đã được bà đề cập tại luận văn tiến sĩ với chủ đề “Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu cổ truyền các quốc gia Đông Nam Á với điều kiện sinh hoạt hiện đại của khán giả thế kỷ 21”. Theo nữ nghệ sĩ, nếu những thập niên trước khán giá phải tìm đến đến sân khấu để thưởng thức nghệ thuật thì ở thế kỷ thứ 21 sân khấu phải đến gần công chúng hơn, phải tìm đến khán giả.
Trước đây, cải lương có 2 nội dung xuyên suốt đó là chống ngoại xâm bảo vệ đất nước và bảo vệ văn hóa dân tộc. Thế nhưng sau 1975, nghệ thuật cải lương trở nên "bơ vơ" và chậm phát triển hơn tất cả các loại hình khác. Nguyên nhân là do đề tài của cải lương không sát với hiện tại nên khán giả sẽ tìm đến loại hình nghệ thuật mới mẻ hơn, thực tế hơn.
“Câu hỏi của em đã đặt ra một vấn đề nhức nhối hiện nay. Cải lương muốn tồn tại thì cần phải biết người trẻ cần gì, xã hội muốn gì. Và cải lương phải đi vào những đề tài nóng bỏng của cuộc sống, gắn liền với đời sống thường nhật. Một nhà nghiên cứu đã từng nói muốn biết thời đại như thế nào, muốn biết âm hưởng của tuổi trẻ ra sao chỉ cần nghe âm nhạc của thời điểm đó”, Nghệ sĩ Bạch Tuyết nhấn mạnh.
“Khi làm nghệ thuật cải lương, tôi luôn chăm chú, quý trọng những khán giả lớn tuổi. Tôi càng trân trọng hơn nếu như tiếng hát của mình đến được với thế hệ trẻ bởi thế hệ trẻ chính là tương lai của dân tộc. Khi tôi nghe bài Em gái mưa rồi Lạc trôi, tôi cảm thấy các bạn trẻ có quá nhiều thông tin để nghe, có nhiều thông tin để biết. Tôi hiểu và cảm nhận được vì sao những tác phẩm đó lại hút giới trẻ bởi vì nó đi sâu vào đời sống của các bạn. Do đó, tôi đã cover bài hát trên để xem thử các thời đại có gặp nhau hay không. Và khi những bài hát đó được đăng lên youtube, có rất nhiều bạn trẻ vào comment. Tôi cảm thấy may mắn vì dù ở cách nhau nhiều thế hệ nhưng chúng ta cùng một khao khát, cùng một ước mơ sẽ gặp nhau” - NS Bạch Tuyết chia sẻ.
Cũng theo nữ nghệ sĩ, hiện bà đang sở hữu 1 kênh youtube chuyên dạy cải lương. “Tôi nghĩ thời đại internet, những người đi trước nên chia sẻ thông tin và hãy tin rằng các bạn trẻ nhận được thông tin và sẽ biết sử dụng thông tin đó một cách có hiệu quả. Đó cũng là cách tôi truyền đạt là bộ môn nghệ thuật dân tộc tới bạn trẻ”
Kênh Youtube của NSND Bạch Tuyết |
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Du, giáo dục âm nhạc truyền thống là chủ trương của ngành. Từ 2 năm nay, trường đã đưa môn âm nhạc truyền thống vào giảng dạy. Việc tổ chức chương trình đờn ca tài tử, hoạt động cải lương là trách nhiệm của người làm công tác quản lý đưa âm nhạc truyền thống vào trường học.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét